Anh đem dòng điện xanh, sạch về Mũi Né. Tình cờ quen biết anh, tôi thì ngưỡng mộ việc học tập của anh, anh là tiến sĩ học năng lượng ở Liên Xô về, còn anh thấy tôi dứt khoát, quyết liệt thế là tin nhau, hợp nhau, chơi thân với nhau, dù công việc […]
Một buổi sáng cuối tháng Sáu, giữa cái nắng gắt chói chang của mùa hè, hơn 200 khách mời, trong đó có đại diện lãnh sự quán Hoa Kỳ và Anh Quốc tập trung trên một triền đồi tại phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Với địa hình đồi cát mấp mô, 12 tháng trước, nơi đây vốn là vùng đất khô cằn, không có giá trị khai thác kinh tế. Nhưng trên vùng đất cũ, sáng đó, hơn 1000 tấm pin năng lượng lấp lánh dưới ánh mặt trời, phủ lên vùng đất rộng hơn 38 héc ta, bố trí theo hình cánh bạc hướng ra biển Đông. Ngày hôm đó, quan khách tề tựu trong lễ khánh thành Nhà máy điện mặt trời Mũi Né công suất 40 MW do công ty cổ phần Đức Thành Mũi Né làm chủ đầu tư.
Khởi công từ tháng 10.2018, nhà máy chính thức hoàn thành sau tám tháng xây dựng. Một buổi lễ “mừng công” đã diễn ra tối ngày trước đó để ghi nhận nỗ lực của các bên từ chủ đầu tư, nhà thầu đến từng cá nhân gắn bó ròng rã nhiều tháng liền với dự án, thậm chí làm việc xuyên Tết cho kịp tiến độ. Tại sao phải chạy đua với thời gian? Lý do, các dự án điện mặt trời kịp đóng điện và đưa vào phát điện thương mại trước thời điểm 30.6.2019 sẽ được hưởng mức giá mua điện 9,35 cent/kWh, mức giá đầu ra được xem đủ hấp dẫn đầu tư. Cú hích chính sách kéo theo xu hướng đầu tư vào điện mặt trời bùng nổ trong năm qua, một trong 10 sự kiện kinh doanh nổi bật theo đánh giá của Forbes Việt Nam. Sự phát triển năng lượng tái tạo một mặt đáng khuyến khích, nhưng sự phát triển quá nóng cũng đang gây ra một số hệ lụy.
Chủ sở hữu nắm 95% cổ phần Đức Thành Mũi Né là liên doanh giữa tập đoàn Pacifico (Hoa Kỳ) và Dragon Capital. Nếu Dragon Capital là một trong những quỹ đầu tư quy mô nhất có thâm niên gắn bó nhiều năm trên thị trường chứng khoán Việt Nam thì Pacifico Energy được biết đến ở vai trò tập đoàn đầu tư xây dựng và phát triển các nhà máy điện năng lượng tái tạo của Hoa Kỳ. Đến nay Pacifico đã đầu tư một gigawatt (GW) công suất điện mặt trời và điện gió ở thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam. Dự án điện mặt trời Mũi Né là một trong 87 nhà máy kịp đóng điện và đưa vào vận hành thương mại trước 30.6.2019.
Hiện nay nhà máy Điện mặt trời Mũi Né đã qua sáu tháng hoạt động ổn định. Với công suất phát điện trung bình 5,8 triệu KWh mỗi tháng, dự án thu về khoảng 13 tỉ đồng/tháng cho lượng điện đưa lên lưới, hòa vào lưới điện quốc gia. Theo tính toán của nhà đầu tư với công suất hiện hữu, ước sau 7,3 năm nhà máy có thể đạt điểm hòa vốn, rút ngắn ba năm thời gian dự kiến đưa ra tại buổi lễ khánh thành nhà máy.
“Với kinh nghiệm quốc tế từ tập đoàn mẹ Pacifico, chúng tôi tập trung vào đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đường dây đấu nối và không thể thiếu là nguồn vốn tài trợ đủ mạnh được bảo lãnh dựa trên uy tín đối tác”, ông Hoàng Giang, tổng giám đốc Đức Thành Mũi Né, đại diện đơn vị vận hành nhà máy Điện mặt trời Mũi Né nói với Forbes Việt Nam. Một trong những đột phá mang lại hiệu quả cho dự án so với nhiều dự án đang khó khăng trong khu vực là nhà máy đầu tư và hoàn thành đường dây 110kV Lương Sơn – Hòa Thắng – Mũi Né dài gần 30km với 106 trụ điện. Đầu nối vào đường dây này có hai nhà máy, một là Điện mặt trời Mũi Né và một từ nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 do tập đoàn Hà Đô làm chủ đầu tư, cách đó không xa.
Không tiết lộ số tiền đầu tư cho đường dây nhưng theo ông Giang, con số này khá lớn. Chủ đầu tư của đường dây vốn là công ty Điện lực miền Nam thuộc EVN. Từ thời điểm phê duyệt cuối năm 2016 đến tháng 3.2019, ròng rã hơn hai năm, chủ đầu tư hoàn thành được hơn 42 trụ điện, tương đương 40% khối lượng công việc. Để đẩy nhanh tiến độ ở thời điểm dự án Điện mặt trời Mũi Né đã sắp xong, đóng điện, trong vòng ba tháng từ tháng 3 đến tháng 6.2019, đội ngũ Pacifico và tổng thầu đã nhanh chóng tham gia cùng hoàn thành 94 trụ điện, tương đương 90% khối lượng trụ, kịp đầu nối với mạng lưới điện quốc gia.
” Giá điện cho sau 30.6 là bao nhiêu theo cơ chế nào vẫn còn chưa rõ. Chúng tôi tạm thời chưa thể giải ngân tiếp cho giai đoạn 2 dự án với công suất sự kiến gấp đôi 80 MW, ” đại diện chủ đầu tư Pacifico Mũi Né nói và khẳng định : ” Việc không rõ mức giá như thế nào rất khó tính toán hiệu quả cũng như vay vốn từ các ngân hàng”. Điện mặt trời đã phát triển nóng nhưng còn nhiều nút thắt khiến hiệu ứng chưa lan tỏa.