Ngày 18-4-2020, các thành viên chủ chốt điều hành Văn phòng đại diện TP HCM của Hiệp hội Năng Lượng Sạch Việt Nam (VCEA HCM) đã tổ chức Toạ đàm trực tuyến về Phát triển điện gió bền vững ở Việt nam. Dưới sự điều hành của chị Ngô Tố Nhiên, Trưởng Ban Chính sách và Công nghệ, Tổng Giám đốc công ty VIET với sự tham gia của 180 chuyên gia gồm các anh chị em báo chí truyền thông, các doanh nghiệp trong ngành, các nhà khoa học, các quĩ đầu tư, ngân hàng, các chủ đầu tư và phát triển dự án, các nhà thầu, các nhà cung cấp, các tổ chức phi chính phủ, các nhà làm chính sách, chuyên viên các bộ nghành liên quan. Buổi hội thảo được nghe các ý kiến của anh Bùi Văn Thịnh, Trưởng Ban Điện gió kiêm Chủ tịch Hội Điện gió tỉnh Bình Thuận, anh Lê Anh Tùng Ban Tư vấn kiêm Chủ tịch Ecotech, anh Đặng Quốc Toản Trưởng Ban Hợp tác quốc tế Tổng Giám Đốc Asia Petro, Tiến sĩ Hoàng Giang Trưởng Văn phòng đại diện VCEA HCM Chủ tịch Pacifico Energy VN, Tiến sĩ Huy Trưởng Ban Truyền thông pháp chế từ ĐH Bách khoa TPHCM, anh Dương Trưởng Ban Điện mặt trời-Chủ tịch Bảo Long Solar và các chuyên gia đầu ngành năng lượng tái tạo ở Việt nam
Việt Nam có tiềm năng điện gió (địa hình đồi núi và bờ biển dài) giúp giảm nhập khẩu than + dầu + khí và giảm khí thải theo cam kết của Chính phủ trong hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu, tăng nguồn cung năng lượng tái tạo theo nghị quyết 55 về năng lượng của Bộ Chính trị, góp phần nguồn cung điện nhanh bù cho sự thiếu hụt điện từ năm 2021 do việc chậm tiến độ của các dự án nguồn nhiệt điện ở miền Nam. Phát triển điện gió (nhất là điện gió ngoài khơi) còn góp phần phát triển kinh tế biển đảo Việt nam, tạo cơ hội cho chuỗi cung ứng trong nước (nhất là sau dịch Covid) và nguồn nhân lực Việt.
Chính phủ đã có quyết định 37/2011 và 39/2018 với cơ chế phát triển điện gió và bước đầu đã có 11 dự án đang phát điện với công suất tổng 377 MW, 78 dự án với 4,800MW đã được đưa vào Qui hoạch. Tuy nhiên thời hạn vận hành thương mại trước 1-11-2021 để được hưởng giá FIT hiện nay đã không còn phù hợp cho sự phát triển điện gió của Việt nam.
Lý do các dự án sẽ không triển khai kịp vận hành thương mại trước tháng 11-2021 chủ yếu do đại dịch Covid 19 đã và đang làm chậm toàn bộ các hoạt động kinh tế (như khâu sản xuất và cung ứng thiết bị) và đi lại trên toàn cầu năm 2020 có thể coi là bất khả kháng, ngoài ra Luật qui hoạch có hiệu lực từ đầu năm 2019 mà chưa có hướng dẫn thực hiện cũng đã làm chậm tiến độ và đội giá thành các dự án.
Nếu không được gia hạn FIT điện gió, hoặc gia hạn mà giảm gía mua điện trong khi vẫn giữ hợp đồng mua điện như hiện nay không khuyến khích các nguồn vốn vay giá rẻ, ngành điện gió ở Việt nam dự kiến sẽ bị đóng băng 2 năm 2022 và 2023. Kinh nghiệm từ điện mặt trời với 9 tháng không có giá mua điện và cơ chế đầu tư chưa rõ ràng đã làm nản lòng các nhà đầu tư và các tổ chức quỹ, ngân hàng,…
Cộng đồng năng lượng tái tạo, Lãnh đạo 9 tỉnh, hiệp hội điện gió toàn cầu,… và Bộ Công thương đã có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất xin gia hạn giá FIT thêm 1-2 năm nữa để bảo đảm sự phát triển bền vững kịp thời của điện gió góp phần phát triển an ninh năng lượng và kinh tế xã hội Việt nam. Cũng cần phát triển thêm lưới truyền tải phục vụ các dự án điện gió đã được qui hoạch tránh trường hợp đầu tư xong không được phát hết điện sản xuất ra tạo lãng phí lớn cho xã hội.
Các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi hiện nay cũng có nhiều băn khoăn vì chưa có cơ chế khuyến khích rõ ràng về việc thuê mặt biển để xây dựng và vận hành nhà máy điện gió ngoài khơi (tương tự như thuê đất đối với điện gió trên bờ).
Hiệp Hội Năng Lượng Sạch Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện được Bộ Nội Vụ thành lập vào năm 2015 với sự ủng hộ của Bộ Công Thương và có tạp chí Năng Lượng Sạch www.nangluongsachvietnam.vn (cả báo giấy ra hàng tháng và báo điện tử). Tháng 2 năm 2020 vừa qua, Hiệp hội đã ra mắt Văn phòng đại diện TPHCM với lực lượng nòng cốt từ Cộng đồng năng lượng tái tạo VN. Tiến sĩ Hoàng Giang Chủ Tịch Pacifico Energy VN là Trưởng Đại diện